Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, chống dịch và phát triển kinh tế phải song song, nếu chỉ tập trung chống dịch chúng ta sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe nhân dân.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, sáng 26/9. Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong gần hai tháng qua.
Nêu quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng đánh giá không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ. Theo ông, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên.
Sau một thời gian phòng chống dịch quyết liệt với sự thay đổi chiến lược, Việt Nam đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những tâm dịch như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, đợt dịch lần này phức tạp, đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “zero Covid”. Nếu giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, “các doanh nghiệp sẽ sụp đổ”.
Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, cả nước cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.
Từ quan điểm mới này, Chủ tịch VCCI cho rằng cần thay đổi chiến lược ứng phó với Covid-19 và đề xuất hai chủ trương mới trong chống dịch để thích ứng với điều kiện tình hình mới.
Một là, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được chủ động xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Hai là, kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.
Trong 6 nguyên tắc chống dịch mà Thủ tướng nêu để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh hai nguyên tắc là vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; sản xuất phải an toàn.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, ông Phạm Tấn Công nói.
Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống Covid-19, lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế và xác định sống chung lâu dài với Covid-19, Chủ tịch VCCI kiến nghị Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, theo Chủ tịch VCCI, việc xây dựng và thực thi cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp.
Chẳng hạn, giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay là Chính phủ ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa; không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn khác..
Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị xem xét phương án điều chỉnh, cho phép nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, “bong bóng sản xuất” và để đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ…
Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cũng được cộng đồng doanh nghiệp cho rằng “cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi”. Để so sánh, ông Phạm Tấn Công lấy quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4% GDP, Indonesia 5,4% GDP, Philippines 3,6% GDP. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.
“Cuộc chiến với Covid-19 hiện nay chính là ngọn lửa thử thách với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong giữ vững vị thế, cơ đồ mà chúng ta đã đạt được”, ông Phạm Tấn Công nói. Ông cũng khẳng định, công đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết chương trình phục hồi kinh tế sẽ được trình Chính phủ vào tháng tới. Bộ này đang gấp rút hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Ông Dũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch.
Với Bộ Công Thương, ông Dũng đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan này đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%. Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu dự thảo quy định về trường hợp bất khả kháng với các dự án, công trình chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp chống dịch Covid-19…